Phần 1: Tuổi thơ dữ dội và hạt mầm kinh doanh

CHO ĐI LÀ MẤT LUÔN !?

5
(2)

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ký ức tuổi thơ bên cạnh gia đình của tôi là những năm tháng yên bình và tuyệt vời nhất. Tôi nghĩ mình cần phải nói về tuổi thơ ấy, vì nó đã định hình trong tôi những bản năng, bài học kinh doanh từ rất sớm. Thậm chí là từ khi tôi mới nhận biết được cuộc sống tươi đẹp này !

Gia đình tôi vốn là một gia đình 9 người đông đúc và khá giả, bố tôi là con trưởng gia đình, ấu thơ tôi sống tại ngôi nhà mặt phố ngã năm ô chợ dừa. Lúc tôi 4 tuổi, thì ông bà nội cho bố mẹ tôi một ngôi nhà riêng cũng là nhà mặt phố ngã tư sở khá rộng rãi khoảng 80m2, cứ nghĩ mọi thứ sẽ như thế mãi thì tốt. Không nghĩ rằng tôi sẽ có cả một cuộc đời đầy biến động kèm xê dịch ( chuyển nhà ) thêm 5 lần khắp hà nội phía trước.

Khi tôi có ký ức về mọi thứ xung quanh mình, tôi nhớ rõ ràng thì khoảng năm 6 tuổi, vì là nhà mặt phố nên bố mẹ tôi tận dụng để kinh doanh. Nhà tôi lúc ấy bán đủ thứ, bún chả, cơm bình dân, phở, chè,…v..v… Phải chú ý rằng, trước khi lấy mẹ tôi, bố tôi là một công tử được bà nội tôi chiều chuộng, coi như báu vật trong nhà vì đẻ 2 bà con gái mới ra cậu quý tử là bố tôi.Thế nhưng, từ khi tôi nhận biết được cho đến khi trưởng thành. Bố tôi luôn là một người đàn ông chăm chỉ nhất mà tôi biết! Tôi nghĩ ưu thế lớn nhất của một người bắt đầu làm kinh doanh, có thể có được chính là có một người bố như bố của tôi.

Trong gia đình tôi phân công rất rõ ràng, mẹ là người đi chợ, nấu ăn, và ngồi bán hàng. Bố tôi làm tất tần tật những việc phụ không nề hà điều gì bao gồm cả, dọn dẹp, lau nhà, quét dọn, sửa chữa đồ đạc, giặt giũ. Còn tôi vì bố mẹ chỉ có mình tôi, nên tôi chả phải làm gì cả he he. Bố tôi có một sức khỏe phi thường, cao to và cường tráng mùa đông lạnh căm căm hay hè đều tắm nước lạnh. Thái độ của ông đối với cuộc sống rất đơn giản ” Không khoan nhượng “, có lúc tôi thấy bố tôi sống như một quân nhân vậy. Đấy cũng là mơ ước của ông, tiếc rằng vì gia đình mà ông không thực hiện được. Mãi sau này ông vẫn nhắc đến chuyện đấy trước mặt tôi nhiều lần.

Ngay với gia đình, ông luôn là người đứng mũi chịu sào, nhận trách nhiệm và cương quyết với trách nhiệm đấy. Đồng thời, ông cũng đòi hỏi ở mọi người một thái độ tương tự, không trừ ai. Ngay cả bác gái ruột tôi, chỉ vì nói những điều không nên nói, bố tôi đã không buồn nói chuyện 7 năm. Tất cả những điều đấy, dù còn rất bé tôi đã nhận thức được, và như cơn mưa thấm vào cuộc đời tôi. Để tôi kế thừa nó trong vô thức, lúc bé tôi chưa hiểu, càng lớn tôi càng thầm biết ơn bố, để sau này dù tôi có vấp ngã như thế nào. Vẫn dũng cảm hiên ngang bước đi trên đôi chân của mình !

Gia đình tôi làm việc kịch liệt đến nỗi, mặc dù rất khá giả, nhưng cho đến khi bố tôi mất. Chúng tôi chưa bao giờ đi nghỉ mát cùng với nhau, nói cách khác là gia đình tôi không có cái gọi là kỳ nghỉ. Chỉ có ngày nghỉ lên chơi với ông bà nội ngoại, hoặc tết thì cả nhà quây quần bên nhau nghỉ ngơi. Điều này thật có vẻ kì quặc, nhưng đúng là như thế, cả nhà tôi đều đam mê làm việc kiếm tiền. Nó là truyền thống và là gen đặc trưng.

Khi tôi khoảng 7 tuổi, có một lần bố tôi gọi tôi ra và hỏi: ” Giai bố muốn có tiền không ? ” – tôi gật đầu một cách ngây thơ. Trong đầu nghĩ chắc bố lại cho tiền đi ăn quà vặt, nhưng không có chuyện dễ dàng như tôi nghĩ. Bố tôi chỉ vào đống vỏ lon bia 333 của khách bỏ lại rồi bảo: ” Gom đi, rồi đem nhà đồng nát mà bán “. Tôi quen được chiều chuộng nâng niu, tự dưng bảo đi dọn vỏ lon thì thầm khó chịu. Nhưng vì phần thích tiền, phần sợ bố nên tôi vẫn làm theo lời ông. Tôi không nhớ rõ lắm số tiền lần đầu tiên mình bán chỗ vỏ lon là được bao nhiêu, chỉ biết nó là một khoản kha khá với trẻ con thời ấy. Tôi như con chim lần đầu mới tập bay, chạy thẳng ra nhà bán quà vặt rồi mua đủ thứ tôi thích thay vì cứ mua nợ như mọi khi rồi mặc kệ cho bố mẹ trả. Tất nhiên là với hành động đấy thì tiền vèo cái bay hết, khi hết rồi thì chả còn cách nào khác, cũng chằng chờ bố tôi nói. Thay vì đi chơi lang thang, tôi lót ghế ra hóng khách ăn uống bỏ lại vỏ lon, để thu gom cho vào túi nilon rồi cuối ngày đem bán. Về sau, ngoài vỏ lon, trong nhà tôi tất tần tật cái gì đồng nát sắt vụn cho đến cân giấy sách giáo khoa, đều là do tôi thầu, đóng gói, phân loại và xách ra nhà đồng nát để bán. Chuyên nghiệp đến mức thời điểm ấy tôi nằm rất rõ giá từng cân sắt, cân đồng, cân giấy, từng vỏ lon… Công việc part time này của tôi kéo dài đến tận khi tôi lớp 7 mới ngừng lại. Nghĩa là nếu nói không ngoa, tôi có tận 5 năm tuổi gắn bó với nghề … đồng nát ! Một cách vui thích :))

Có lẽ bố tôi cũng không biết được rằng, ông đã gieo vào đầu tôi những mầm mống kinh doanh đầu tiên như thế. Bài học đầu đời của một cậu bé 7 tuổi rất đơn giản: ” Nếu không lao động, bạn không thể có thứ mình muốn! ” ( một cách trọn vẹn và vui thú )

Năm tháng cứ êm ả trôi, tôi cứ nghĩ ở tuổi của tôi thì ngoài việc bán mấy thứ đồng nát trong nhà chẳng có cách gì kiếm được tiền như người lớn. Chắc phải chờ tôi lớn lên, đi làm hoặc mở cửa hàng như bố mẹ tôi thì mới kiếm được tiền. Thế nhưng, rất nhanh sau đó tôi lại có được cơ hội kinh doanh lần thứ 2 trong đời.

Đấy là mùa hè năm tôi học lớp 5, và vì bố mẹ tôi quá bận rộn cho cửa hàng, theo thông lệ cứ nghỉ hè là tôi sẽ lên nhà bà ngoại ở ngõ văn chương ở khoảng 2 3 tuần. Tôi chẳng lấy làm buồn, vì nhà bà ngoại tôi đông người, cậu và các dì rất chiều tôi, tôi có ông anh họ con bác trai, nó ít hơn tôi 4 tuổi, hai thằng suốt ngày lủi thủi chơi với nhau đủ thứ. Cái thú của tôi lúc ấy là lôi đồ chơi của nó ra ( nó được bố mẹ chiều và mua rất rất nhiều đồ chơi ), cùng với tuốc lô vít. Tôi tháo tung hết ra xem bên trong có gì, rồi chế motor cánh quạt các kiểu có cái tôi lắp lại được, có cái không. Mỗi lần như thế nó lại khóc, nhưng rất nhanh quên vì nó có quá nhiều. Ở nhà bà ngoại tôi có một thói quen rất khủng khiếp không giống như ở nhà tôi, là 4h30 hoặc 5h mọi người đã dậy hết cả và tôi bị bắt buộc phải theo cái nếp ấy, bọn tôi thường rủ thêm 2 thằng bạn cùng xóm nữa đi chạy bộ thể dục buổi sáng. Địa điểm thì lúc là cái sân E của khu tập thể cũ, lúc thì chạy lên tận hồ hale chỗ công viên Lenin.

Cái tính của tôi hiếu động, lúc nào cũng thích nghịch ngợm, có một lần chạy rõ sớm, 5h30 tôi với 3 thằng kia đã ngồi nghỉ ở ghế đá bờ hồ. Thấy ven bờ hồ quá nhiều cua với ốc, dễ đàng tôi bắt mấy con lên chơi, bọn kia thấy thế cũng hùa theo. Kết quả không phải là chơi nữa, chỉ sau khoảng 1 tiếng, với sức lao động của 4 thằng oắt là đầy 2 túi nilon to uỵch đầy ốc với cua lổn nhổn. Bọn kia thì chả quan tâm gì đến chỗ ấy, nên cuối giờ tôi lấy cả. Tôi khệ lệ xách về nên đi sau, nghĩ đơn giản chắc bà sẽ thích. Trên đường về, tôi đi qua cái chợ tạm ngõ văn chương, mấy bà bán cua ốc thấy tôi xách 2 túi to thì thi nhau hỏi mua. Tôi nghĩ không được bao nhiêu, nên cũng không định bán. Cho đến khi có một bà mập đỡ 2 túi nilon từ tay tôi và dúi vào tay tôi tờ 50 cành ( mệnh giá tiền to nhất thời ấy ) tôi mới thực sự hoa mắt. Phải biết rằng ngần ấy tiền là đủ tôi ăn sáng nửa tháng, vì lúc ấy tôi chỉ được có 3 nghìn tiền ăn sáng / ngày. Tôi đổi tiền luôn tại chỗ, chạy như bay về nhà và chia cho ông anh họ + 2 thằng bạn mỗi thằng 10 nghìn, còn lại 20 nghìn là của tôi. Đương nhiên càng không quên hẹn chúng nó … ngày mai dậy sớm đi tập thể dục =)) Suốt mùa hè ấy, là mùa hè rủng rỉnh nhất mà ấu thơ tôi từng có !

Bài học đầu đời thứ 2: “ Lao động tập thể luôn luôn đem lại hiệu quả bất ngờ, làm gì cũng không được xa rời tập thể

Lên cấp 2, nhà tôi càng ngày càng khá hơn, bố tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nhà tôi chuyển nhà và kinh doanh 2 quán karaoke rất kiếm. Còn tôi thì càng ngày càng được cho nhiều tiền hơn, có thể nói những năm cấp 2 thực sự là những ngày vô ưu và tuyệt vời nhất của tôi !

Chỉ có 1 điều không thay đổi: Gia đình tôi không có kỳ nghỉ như các gia đình khác, và bố mẹ rất hiếm dẫn tôi đi mua đồ chơi ( mà hình như là chưa bao giờ )

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Nhấp vào một trái tim để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 2

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.


CHO ĐI LÀ MẤT LUÔN !?
Subscribe
Thông báo về
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top